RỦI RO KHI ĐẦU TƯ VÀO CÁC DỰ ÁN DEFI

RỦI RO KHI ĐẦU TƯ VÀO CÁC DỰ ÁN DEFI WikiBit 2021-08-28 16:31

DeFi là ngành tài chính đầy tiềm năng là thế nhưng rủi ro cũng không nhỏ. Có rất nhiều người kiếm được tiền từ đây và cũng có nhiều người mất tiền từ nó. Do đó, để hạn chế những rủi ro mà mặt trái của DeFi mang lại, hãy đảm bảo bản thân bạn đã trang bị những kiến thức cần thiết về việc đầu tư này.

  1. Chưa được pháp luật công nhận

Các sản phẩm DeFi nói riêng và tiền điện tử nói chung ở Việt Nam vẫn chưa chính thức được kiểm soát bởi Chính phủ. Việt Nam vẫn chưa có một quy định nào về các hoạt động đầu tư tiền điện tử.

  Điều này có nghĩa là nếu bạn có thể tham gia đầu tư vào các sản phẩm DeFi. Tuy nhiên, trong trường hợp có rủi ro xảy ra sẽ không có ai đứng ra bảo vệ quyền lợi của những NĐT như bạn cả. Bitconnect là một ví dụ điển hình về hình thức đầu tư tiền điện tử ở Việt Nam. Rất nhiều NĐT đã vội vã bỏ tiền vào nó. Và trên thực tế gần như tất cả mọi người đều mất trắng khi “tượng đài” này sụp đổ.

  2. Rủi ro liên quan đến smart contract

  Smart contract là một dạng chương trình phần mềm. Nó đại diện cho các bên trung gian trong nền tài chính truyền thống như ngân hàng, tổ chức tài chính,... Nó giúp ghi lại các thoả thuận giữa các bên. Khi yêu cầu được đáp ứng, nó sẽ được thực thi tự động.

  Đương nhiên, phần mềm do con người tạo ra thì cũng đồng nghĩa với việc nó có thể bị tấn công (hack) bởi con người. Hacker có thể tấn công bằng cách lợi dụng các lỗ hổng do lập trình viên “vô tình” để lại. Sau đó họ có thể thay đổi các điều khoản quy định bên trong đó. Điều này dẫn đến kết quả là toàn bộ sản phẩm DeFi đó sẽ bị ảnh hưởng. Và chắc chắn nó sẽ theo hướng bất lợi cho đa số người dùng.

  Hẳn mọi người đều nhớ đến trường hợp của “củ khoai lang” Yam Finance đúng không? Do quá vội vã đưa ra sản phẩm để tham gia DeFi mà Yam đã trở thành nạn nhân của vấn nạn này. Hacker đã tìm thấy một lỗi nghiêm trọng trong giao thức. Một sự cố về giá đã khiến cho dự án sụp đổ chỉ trong chốc lát. Nguyên nhân được đưa ra là Yam chưa tiến hành đánh giá an ninh (audit) sản phẩm.

  3. Rủi ro về vấn đề tài chính

Rủi ro nay đến từ việc biến động giá của đồng coin được sử dụng trong các sản phẩm DeFi. Vụ lùm xùm liên quan đến MakerDAO vào ngày 12/3/2020 là một ví dụ. Hơn 3,000 NĐT đã cáo buộc Maker Foundation và các bên liên quan. Nguyên nhân xoay quanh khoản thiệt hại hơn 8 triệu USD trên giao thức của họ.

  Nguyên nhân chính đến từ sự sụt giảm mạnh của giá đồng ETH. Đây là đồng tiền chính được sử dụng làm tài sản thế chấp trong giao thức MakerDAO. Nó dùng để thế chấp các khoản vay của đồng stablecoin DAI. Việc giảm giá đồng ETH đã đồng thời thanh lý hàng nghìn khoản nợ được thế chấp trước đó (Collateralized Debt Positions - CDP) do các NĐT nắm giữ.

  Chưa rõ là vụ kiện này có thành công hay không. Tuy nhiên về cơ bản, với trạng thái biến động quá lớn của tiền điện tử thì đây cũng là một rủi ro mà các NĐT cần phải quan tâm.

  4. Rủi ro về vấn đề thanh khoản

  Đây là một thuật ngữ dùng để chỉ mức độ dễ dàng mua hoặc bán tài sản trên thị trường. Về cơ bản, nó mô tả một thứ có thể được chuyển đổi thành tiền mặt nhanh chóng như thế nào.

  Có hai loại rủi ro thanh khoản khác nhau. Đầu tiên là rủi ro thanh khoản liên quan đến dòng tiền. Và thứ hai là rủi ro thanh khoản thị trường. Thông thường, đối với các sản phẩm DeFi, rủi ro thanh khoản thị trường là điều đáng lo ngại nhất.

  Rủi ro thanh khoản liên quan đến sự không chắc chắn khi NĐT muốn thoát khoản đầu tư của họ một cách kịp thời và mang lại hiệu quả cao nhất. Mặc dù hiện tại với các giao thức Tạo thị trường tự động (AMM) như Uniswap tính thanh khoản không phải là vấn đề, nhưng có thể không phải lúc nào cũng vậy.

  Sự phân mảnh của nhóm thanh khoản giữa nhiều giao thức khác nhau thực sự có thể dẫn đến một thị trường với tính thanh khoản thấp trong các nhóm riêng lẻ. Điều đó có thể dẫn đến trượt giá lớn, trong đó giá niêm yết và giá thực hiện khác nhau, trong một giao dịch đơn lẻ. Hoặc nếu người dùng thích giao dịch nó thông qua các giao thức khác nhau, phí giao dịch sẽ cao hơn nhiều.

  5. Rủi ro về vấn đề tập trung hoá

  Rủi ro tập trung là một yếu tố quan trọng cần xem xét khi sử dụng các sản phẩm DeFi. Một trong những yếu tố góp phần lớn nhất vào rủi ro tập trung trong các sản phẩm DeFi là việc sử dụng khóa quản trị (Admin key).

  Các khóa quản trị cho phép các nhà phát triển DeFi thay đổi các thông số của hệ thống của họ như lãi suất, phí, ưu đãi,... Hiểu đơn giản người nắm giữ Admin key có quyền thay đổi trật tự bên trong sản phẩm DeFi đó bất kỳ lúc nào.

  Nếu điều này thực sự xảy ra thì vô tình nó đã đánh mất đi bản chất phi tập trung vốn có của blockchain. Bởi lẽ, khả năng tự do thay đổi các thông số trong smart contract có thể gây ra tổn thất tài chính cho NĐT.

  Để loại bỏ yếu tố tập trung này, có hai cách mà đa phần các nhà phát triển hay áp dụng. Đó là việc sử dụng Timelocks và Multi-signature wallet.

  6. Rủi ro về công nghệ

Rủi ro về công nghệ mình muốn nói đến ở đây đó là vấn đề kiến thức của người dùng. Bản chất những thứ bạn dùng cho mục đích giao dịch không quá khó để làm quen, tuy nhiên nó lại khá mới. Thường trong các thị trường tài chính truyền thống như Chứng khoán hay Forex chúng ta chưa có điều kiện được trải nghiệm. Lúc đó, phần nào bạn sẽ cảm thấy bỡ ngỡ với những khái niệm như đi farm (Yield Farming) cung cấp thanh khoản,...

  Mặc dù DeFi tiềm năng là vậy nhưng có lẽ nó lại không dành cho những “tay chơi mới”. Bởi lẽ, thị trường DeFi thay đổi cực nhanh, những gì bạn biết ngày hôm nay sẽ có thể trở nên lạc hậu vào ngày hôm sau. Do đó hoặc là bạn sẽ phải thường xuyên cập nhật những tin tức mới. Hoặc là bạn sẽ bị mất tiền oan do thiếu hiểu biết. Vì thế, hãy nên cẩn thận và tìm hiểu thật kỹ trước khi tham gia thị trường này.

  7. Là nạn nhân của các dự án DeFi Scam

Năm 2017-2018 là năm bùng nổ của các dự án ICO trong lĩnh vực tiền điện tử. Nhưng theo khảo sát, phần lớn các dự án ICO thời điểm đó bị gắn mác scam. Làn sóng DeFi lần này cũng không tránh khỏi “vết xe đổ” đó.

  Yfdex.Finance là một ví dụ điển hình đầy đau khổ của không ít những nhà đầu tư thời điểm tháng 9/2020. Chỉ sau chưa đầy hai ngày ra mắt, dự án đã biến mất với 20 triệu USD của các NĐT trong tay. Hay một dự án có tên là UniCats đã lợi dụng sự kiện sàn Uniswap airdrop 400 UNI để trục lợi hơn 140.000 USD từ một nhà đầu tư bất kỳ.

  So với ICO, người ta dự đoán tỷ lệ scam từ các dự án DeFi sẽ còn lớn hơn nhiều. Do đó, bạn hãy học cách bảo vệ và nhận biết các đặc điểm của một dự án DeFi có thể là scam trước khi tham gia thị trường này nhé.

Miễn trừ trách nhiệm:

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không phải lời khuyên đầu tư. Nền tảng không đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của các thông tin được đưa ra và sẽ không chịu trách nhiệm cho bất kỳ tổn thất nào do việc sử dụng hoặc phụ thuộc vào thông tin trong bài viết.

  • Chuyển đổi token
  • Tỷ giá
  • Tính toán ngoại hối mua vào
/
Đơn vị
Tỷ giá tức thời
Số tiền có thể đổi

0.00